Ngày 26/9, các MCer nhí đã được tham gia hoạt động ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường. Bằng loại hình kịch tương tác, chuỗi tiểu phẩm “Be friend” đã giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về bạo lực học đường và cách phòng chống.
Với diễn xuất chuyên nghiệp của các diễn viên đến từ nhà hát Tuổi trẻ và tổ chức nghệ thuật Life Art, vở kịch thực sự gây ấn tượng mạnh cho các MCer TH1. Đặc biệt, bốn thông điệp của vở kịch: Cương quyết TỪ CHỐI BẠO LỰC từ sớm, bạo lực KHÔNG LÀM bạn mạnh hơn, HÃY LÊN TIẾNG để chấm dứt bạo lực và “Be friend” đã được thể hiện rõ nét.
Không chỉ chăm chú xem, các MCer nhí còn trở thành các diễn viên, tham gia vào câu chuyện để xử lý tình huống nếu bản thân rơi vào hoàn cảnh đó.
Minh Hải (5M1) chia sẻ: “Vở kịch rất hay, các cô chú diễn rất sinh động, làm chúng tớ cười nghiêng ngả. Tớ rất vui khi được tham gia giải quyết tình huống. Buổi học đã giúp tớ hiểu thế nào là bạo lực học đường và các biện pháp phòng chống. Tớ thấy yên tâm hơn khi giờ đây, bản thân có thể ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường bằng cách áp dụng những điều đã được học”.
Theo cô Minh Hằng (GVCN 5M1), buổi trải nghiệm không chỉ là cơ hội cho học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, hiểu hơn về vấn nạn bạo lực học đường mà còn giúp chính cô hiểu học sinh hơn. Cô biết thêm rằng, khi rơi vào những tình huống ấy, học trò sẽ xử sự ra sao để từ đó đưa ra những điều chỉnh và định hướng đúng đắn.
Cô Đỗ Trang (Trưởng phòng Tham vấn học đường MC) cho biết: “"Be friend” là thông điệp, là phương pháp tiếp cận để xây dựng giá trị tình bạn, tình yêu thương, kết nối. Chỉ có tình người mới đẩy lùi vấn nạn bạo lực đang tồn tại. “Be friend” là bạn, là người hiểu và có thể đồng cảm với ta, dành cho ta những tình cảm quý trọng xuất phát từ sự cảm mến, sự tôn trọng và tình yêu thương. Việc gọi tắt dự án “Phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” bằng cụm từ “Be friend” mang thông điệp rõ ràng rằng: “Trở thành bạn bè là giải pháp tối ưu để phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”.
Bạo lực học đường (BLHĐ) là một hiện tượng xã hội được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam và trên thế giới trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2015, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương 5 vụ/ngày và trở thành vấn đề đáng báo động ở nước ta. Mặc dù chính phủ và nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách nhằm bảo vệ trẻ em nhưng BLHĐ vẫn diễn ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, điển hình như các vụ được đăng hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Thực tế cho thấy, hầu hết bạn trẻ có nhận thức mơ hồ về BLHĐ. Đa số chỉ hiểu BLHĐ là gây gổ đánh nhau giữa các bạn học sinh mà chưa nhận thức được rằng, nó bao gồm những hành vi bạo lực về mặt thể chất, tinh thần, tình dục và các hành vi bắt nạt khác. Một số ít trẻ đã tìm hiểu thì chưa có giải pháp để ngăn chặn BLHĐ xảy ra với chính mình hoặc những người xung quanh. Để góp phần giảm thiểu các hành vi BLHĐ đang diễn ra trong nhà trường, tổ chức Good Neighbors International (GNI) đã triển khai dự án: “Phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ” với tên gọi “Be friend”. Dự án được triển khai nhằm giúp trẻ hiểu và biết rõ cách đối phó với BLHĐ. |